Các thương vụ M&A bất động sản công nghiệp dự báo sẽ tăng mạnh
Xu hướng mua bán – sáp nhập (M&A) ở phân khúc bất động sản công nghiệp đang rất sôi động trong bối cảnh thị trường bất động sản nói chung chưa có dấu hiệu hồi phục.
Tổng quan thị trường bất động sản công nghiệp tại thời điểm quý II/2023 theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường JLL cho thấy, đất khu công nghiệp, cả thị trường phía Nam và phía Bắc đều khan hiếm nguồn cung mới, khi chỉ có hơn 700 ha được chào đón trong 6 tháng đầu năm 2023, đóng góp vào tổng nguồn cung đất cho thuê hơn 36.400 ha. Nhu cầu đầu tư mạnh mẽ vào hai trung tâm công nghiệp lớn đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động với mức tăng trưởng mạnh về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Bên cạnh các doanh nghiệp kỳ cựu không ngừng mở rộng dự án khu công nghiệp (KCN), thị trường cũng chứng kiến những “tay chơi” mới bước vào phân khúc. Đơn cử như VSIP Group đang tiếp tục mở rộng các khu công nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2023, VSIP Group đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hai KCN quy mô gần 600ha ở Lạng Sơn và gần 300ha ở TP. Cần Thơ.
Công ty cổ phần Khoáng sản và xây dựng Bình Dương cũng đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng giai đoạn hai KCN Đất Cuốc khi giai đoạn một đã lấp đầy 90% diện tích. Hay như Tập đoàn KN Holdings (KN Holdings) vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư KCN Long Đức 3 ở huyện Long Thành, Đồng Nai vào tháng 7.2023. Đây là dự án đầu tiên được triển khai trong ba dự án bất động sản công nghiệp của KN Holdings.
Theo báo cáo của JLL, thị trường bất động sản công nghiệp đang bắt đầu ghi nhận nhiều hơn các yêu cầu đầu tư và các dòng vốn quốc tế mới cũng quan tâm gia nhập thị trường và do đó dự kiến các hoạt động đầu tư sẽ sôi nổi hơn trong nửa cuối năm nay.
Một số khoản đầu tư được công bố gần đây như: ngày 1.3.2023, Frasers Property Vietnam thông báo về việc hợp tác với Gelex Group – tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu trong nước, để cùng phát triển danh mục đầu tư các khu công nghiệp và mở rộng thị trường bất động sản công nghiệp trên khắp miền Bắc. Tổng mức đầu tư dự kiến là 250 triệu USD.
Hay như thương vụ Foxconn thuê thêm đất tại Việt Nam, tổng giá trị khoảng 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Quang Châu và Khu công nghiệp WHA 1…Ngoài các nhà đầu tư châu Á, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Theo Báo cáo tổng quan thị trường M&A bất động sản Đông Nam Á và Việt Nam, do EY Parthenon công bố, tổng giá trị các thương vụ M&A doanh nghiệp và tài sản trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng 7 tháng đầu năm tại thị trường Việt Nam đạt khoảng 1,4 tỉ USD. Trong đó, M&A bất động sản chiếm 65%, với 24 thương vụ có tổng giá trị 874 triệu USD. Đặc biệt, 16 thương vụ trong số này thuộc về M&A các khu công nghiệp. Tới 92% người mua là nhà đầu tư nước ngoài, chủ yếu đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Singapore và Hàn Quốc.
Các chuyên gia cho rằng, yếu tố giúp Việt Nam hút dòng vốn mới là do sự cởi mở nhờ các FTA đã mang lại lợi ích thương mại đáng kể và gia tăng quy mô thị trường cho các nhà đầu tư. Giá thuê đất ở Việt Nam vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong ASEAN.
Đầu tư công vào đổi mới cơ sở hạ tầng quốc gia chiếm 52% kế hoạch chi tiêu công 2021 – 2025 cũng là một yếu tố quan trọng để hút nguồn vốn. Xu hướng thương vụ M&A bất động sản công nghiệp trong thời gian tới sẽ có quy mô vừa, nhưng số lượng lớn để mở rộng danh mục ở nhiều vị trí trọng điểm, đáp ứng nhu cầu đa dạng.
Bên cạnh đó, hàng loạt vấn đề tồn tại liên quan đến thị trường bất động sản như hoạt động đầu tư, thủ tục pháp lý, cũng như hệ thống pháp luật liên quan đang dần hoàn thiện, nhằm hạn chế mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư. Điều này sẽ phần nào gỡ bỏ nhiều rào cản hiện hữu cho các hoạt động M&A bất động sản trong năm nay.
Theo Bảo Bảo, Báo Lao Động