Luật Thuế bất động sản dự kiến được thông qua vào năm 2025
Bộ Tài chính dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Chiều 6/9, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã gửi Bộ Tư pháp báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Thuế bất động sản.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tài chính, tháng 3/2023, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất Luật Thuế bất động sản thay thế Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Về tiến độ, Bộ Tài chính dự kiến trình Luật Thuế bất động sản để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Cũng với quy trình trên, Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 5/2026.
Còn Luật Thuế bảo vệ môi trường (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026). Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ tháng 5/2027 theo quy trình một kỳ họp.
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết đã triển khai xây dựng các dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Luật tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2023.
Dự kiến 2 dự án luật trên sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Liên quan đến Luật thuế bất động sản được dư luận quan tâm, mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh qua Ban Dân nguyện.
Theo đó, để tạo công bằng cho người dân và xử lý triệt để việc lợi dụng chính sách để trục lợi, đầu cơ đất đai trong nhiều năm qua, cử tri đề nghị đánh thuế đối với các tập thể, cá nhân có quyền sử dụng từ bất động sản thứ hai và đánh thuế cao đối với những bất động sản bỏ trống, không thu được giá trị từ đất để tránh lãng phí, đầu cơ tăng giá đất làm mất công bằng xã hội.
Cử tri TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu quy định việc đánh thuế đối với bất động sản thứ hai, phải căn cứ vào diện tích, trị giá cụ thể của bất động sản, nguồn gốc hình thành, thậm chí là nguồn tiền tạo bất động sản đó,… thì mới có cơ sở để tính thuế, không quy định chung chung như Luật Đất đai (sửa đổi) gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và Nhà nước, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Phản hồi ý kiến cử tri, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, hệ thống chính sách thuế, phí, lệ phí đối với bất động sản về cơ bản đã bao quát khá đầy đủ các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong cả ba giai đoạn: Xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; Sử dụng, khai thác bất động sản; Chuyển nhượng bất động sản.
Theo Bộ Tài chính, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành đã có quy định thu thuế lũy tiến đối với trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất (cộng dồn diện tích để tính thuế theo biểu lũy tiến là 0,03% đối với diện tích trong hạn mức; 0,07% đối với diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức; 0,15% đối với diện tích vượt quá 3 lần hạn mức); áp dụng mức thuế suất 0,15% đối với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định.
Bộ Tài chính cho biết hiện đang nghiên cứu xây dựng dự án Luật Thuế bất động sản, trong đó có nghiên cứu về thuế đối với nhà ở thứ hai, thuế đối với nhà, đất bỏ trống, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản và đặt trong tổng thể Chiến lược cải cách hệ thống chính sách thuế đến năm 2030.
Nguồn: báo vtv.vn