Nghệ An vươn lên top đầu về thu hút FDI nhiều nhất cả nước trong 8 tháng đầu năm
Môi trường đầu tư kinh doanh của Nghệ An ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài khi số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thu hút được trong 8 tháng đã tăng 160% so với cùng kỳ…
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong tháng 8, Nghệ An đã vươn lên vị trí thứ 8 về thu hút vốn FDI nhiều nhất trên cả nước. Cụ thể, trong tháng 8, toản tỉnh Nghệ An có 9 dự án đăng ký cấp mới với giá trị đạt hơn 778 triệu USD và 6 lượt điều chỉnh quy mô dự án với số vốn tăng thêm là gần 110 triệu USD. Theo đó, tổng vốn đăng ký, cấp mới, điều chỉnh của Nghệ An trong 8 tháng là gần 888 triệu USD, tăng hơn 160% so với cùng kỳ 2022.
Tính chung khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, luỹ kế đến tháng 8 vừa qua, Nghệ An cũng xếp ở vị trí thứ 8 cả nước về thu hút vốn FDI nhiều nhất, với số dự án đăng ký cấp mới là 140 và tổng giá trị đạt gần 3,5 tỷ USD.
DỒN DẬP ÔNG LỚN CHỌN LÀM ĐIỂM ĐẾN ĐẦU TƯ
Trong số các nhà đầu tư nước ngoài chọn Nghệ An làm điểm đến đầu tư kinh doanh phải kể đến nhà đầu tư Foxconn Interconnect Technology Singapore PTE.LTD (Tập đoàn Foxconn) – đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple. Cụ thể, giữa tháng 5/2023, Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Foxconn để triển khai dự án Công ty TNHH Fu Wing Interconnect Technology tại Khu công nghệp WHA Industrial Zone 1 trên địa bàn xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD.
Ngoài ra, ngày 22/6 vừa qua, tỉnh Nghệ An cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) để sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I, thị xã Hoàng Mai. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, đang trong quá trình điều chỉnh chứng nhận đầu tư. Nhà máy của dự án có công suất thiết kế gần 40.000 tấn thanh silic/năm, gần 30.000 tấn tấm đĩa bán dẫn/năm.
Theo kế hoạch, dự án hoàn thành các thủ tục để được bàn giao mặt bằng; triển khai xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc, thiết bị từ tháng 6/2023 – 10/2023; tháng 11/2023 sẽ sản xuất thử và sản xuất chính thức giai đoạn đầu của dự án; tháng 6/2025 đưa toàn bộ dự án vào hoạt động.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2023 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam tại khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 165 triệu USD, có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm và có quy mô gần 11,8 ha, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2024, và tạo ra khoảng 1.500 việc làm.
GIẢI QUYẾT NHANH THỦ TỤC CHO NHÀ ĐẦU TƯ
Lý giải về một trong những thành công của hoạt động thu hút FDI, tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2023 của UBND tỉnh diễn ra vào ngày 25/8, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết đó là nhờ thái độ của tỉnh đối với các nhà đầu tư đang được đánh giá tốt. Thời gian giải quyết thủ tục đối với nhà đầu tư rất nhanh, gọn đơn cử việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) chỉ trong 5 ngày làm việc.
Trước đó, ngày 7/8/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký ban hành công văn số 6486/2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính sớm hơn 20% so với quy định với những hồ sơ nộp trực tuyến và xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ.
Ngoài những nỗ lực về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống hạ tầng của Nghệ An cũng đang ngày càng hoàn thiện và đồng bộ.
Trong đó phải kể đến như nhiều công trình hạ tầng giao thông đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh và liên tỉnh, như đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (10,8 km); Đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An) Km76+00 – Km83+500 (7,5 km); các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam như Đường D4 (dài 7,066 Km), Đường ngang N5 (đoạn 2, dài 6,5 km) góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Hiện Nghệ An đang tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven biển Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An); triển khai thủ tục đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường đi huyện Nam Đàn; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan sớm hoàn thành dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (đoạn qua tỉnh Nghệ An); đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng bến số 7, 8 cảng Cửa Lò, một số bến của cảng Vissai Nghi Thiết, khu bến Đông Hồi.
Môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, Nghệ An đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho “đại bàng”, tập đoàn đa quốc gia, kéo theo đó là nhu cầu nhà ở dành cho giới chuyên gia, lãnh đạo cấp cao các tập đoàn trong 1-2 năm tới là rất lớn. Cùng với vị trí thuận lợi và cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, sẽ càng thúc đẩy kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đặc biệt là thành Vinh phát triển với triển vọng đầu tư sinh lời lớn.
Nguồn: Báo VnEconomy