Thế mạnh công nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, cách thủ đô Hà Nội 150 km về phía Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh. Với nhiều đặc điểm riêng biệt mà không phải địa phương nào ở Việt Nam cũng có, Thanh Hóa có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, là những giá trị khác biệt, tạo nên lợi thế của tỉnh so với cả nước về giao thông, đất đai, nguồn lao động, tài nguyên, văn hóa, lịch sử… để hợp tác đầu tư và phát triển công nghiệp, thể hiện ở 7 điểm cụ thể.
Thứ nhất, Thanh Hóa có vị trí rất thuận lợi về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đang được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông, với đủ các loại hình gồm: đường bộ (có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 10, đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh); đường sắt Bắc – Nam; hệ thống giao thông đường thủy (với Cảng nước sâu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn); Cảng hàng không Thọ Xuân với nhà ga hiện đại, công suất 1 triệu lượt khách/năm, đảm bảo điều kiện để trở thành Cảng hàng không quốc tế; đã đón nhiều chuyến bay charter từ Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc đến với tỉnh Thanh Hóa và ngược lại; có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo thông thương với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, qua đó thông thương với nhiều nước trong khối ASEAN.
Thứ hai, Thanh Hóa có Khu Kinh tế Nghi Sơn, với diện tích rộng 106.000 ha, nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao lưu Bắc – Nam của đất nước. Đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là một trong 08 khu kinh tế trọng điểm ven biển, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước; được chia thành 55 phân khu, trong đó có 25 phân khu công nghiệp, diện tích khoảng 9.058 ha. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế, với tổng diện tích khoảng 6.810 ha và 115 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 5.267 ha.
Khu kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa
Thứ ba, Thanh Hóa có tiềm năng đất đai đa dạng, với diện tích tự nhiên 1.111.471 ha (rộng thứ 5 cả nước), trong đó, đất sản xuất nông nghiệp 243.252 ha và 102 km bờ biển, vùng lãnh hải rộng hơn 17.000 km2, là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Thứ tư, Thanh Hoá với dân số 3,64 triệu người, có nguồn nhân lực dồi dào trên 2,6 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối cao, trong đó, lao động đã qua đào tạo chiếm gần 73% tổng số lao động. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 05 trường đại học, 11 trường cao đẳng chuyên nghiệp và 80 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hằng năm, có khoảng 11.000 lao động được đào tạo ở các trường dạy nghề. Đây là lợi thế cho phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày và các ngành công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao.
Thứ năm, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhiều loại có trữ lượng lớn như: Đá granit và marble, đá vôi làm xi măng, sét làm xi măng, crôm, đặc biệt có mỏ cromit duy nhất ở Việt Nam; có tiềm năng đất đai đa dạng, sản phẩm lâm sản phong phú, đặc biệt là trữ lượng cây tre, luồng lớn nhất cả nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tăng cường các hoạt động trao đổi thương mại, xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến.
Thứ sáu, với điều kiện tự nhiên phong phú, lịch sử văn hóa truyền thống lâu đời, Thanh Hóa có trên 1.535 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; Khu di tích lịch sử Lam Kinh và Khu di tích Bà Triệu được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt; các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, là những tiềm năng, lợi thế để các nhà đầu tư Italia trải nghiệm các dịch vụ du lịch chất lượng cao. Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa ước đón 12,3 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách du lịch quốc tế đạt khoảng 616 nghìn lượt.
Thứ bảy, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hệ thống thể chế ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, ngày 13/11/2021, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết số 37 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, mở ra cơ hội nổi trội và khác biệt cho tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Với những đặc điểm trên, Thanh Hóa được xem là một tỉnh có thế mạnh lớn trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt, Thanh Hóa cũng sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn như
- Khu công nghiệp Nghi Sơn
- Khu công nghiệp Bim Sơn
- Khu công nghiệp Tây Bắc
- Khu công nghiệp số 3
- Khu công nghiệp Lễ Môn
- Khu công nghiệp Lam Sơn
- Khu công nghiệp Thạch Quảng
- Khu công nghiệp Bãi Trành
- Khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ phía Tây TP. Thanh Hóa
- Khu công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Phú Quý
và rất nhiều các khu công nghiệp, cụm công nghiệp khác. Với các cơ sở hạ tầng hiện đại và các chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư và phát triển sản xuất, Thanh Hóa đã, đang và sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của các chủ đầu tư trong và ngoài nước.
Cụ thể, với 143 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư hơn 14,6 tỷ USD, Thanh Hóa hiện đang đứng đầu khu vực miền Trung và thứ 8 cả nước trong lĩnh vực này. Từ những dự án tầm cỡ khu vực và quốc gia, đã tạo vị thế và sức hút đầu tư cho Thanh Hóa nói chung, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) nói riêng trong hành trình thu hút thêm những dự án mới.
Tỉnh cũng tổ chức tiếp đón, làm việc, đưa nhiều tổ chức, tập đoàn, ngân hàng đi khảo sát thực địa, tìm hiểu và lựa chọn cơ hội đầu tư tại các khu vực trọng điểm. Điển hình như trong năm 2022, nhiều đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ, Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam… đã được đón tiếp, giới thiệu cơ hội đầu tư, kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ các khó khăn trong các hoạt động đầu tư.
Trong giai đoạn 2022-2025, Thanh Hóa đang đặt ra mục tiêu thu hút tổng nguồn vốn FDI và đầu tư trong nước (DDI) đạt khoảng 30 tỷ USD. Trong đó, mục tiêu cụ thể sẽ tiếp cận, xúc tiến từ 3-6 công ty sở hữu công nghệ gốc, nằm trong top 500 công ty xuyên quốc gia trên thế giới đầu tư vào Thanh Hóa. Bên cạnh việc coi trọng các địa bàn, đối tác truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Cô-oét, Đài Loan, Thanh Hóa sẽ đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút thêm các đối tác tiềm năng mới như Nga, Hoa Kỳ, các nước châu Âu. Đồng thời, khai thác hiệu quả mối quan hệ từ các tập đoàn lớn tại các nước phát triển như: G7, G8, OECD…
Xem thêm các khu công nghiệp tại: https://vki.vn/khu-cong-nghiep
LIÊN HỆ TỚI VKI ĐỂ NHẬN THÊM NHIỀU THÔNG TIN: